image banner
Kỷ niệm 139 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025).
Cách đây 139 năm, vào ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi ca go (Hoa Kỳ), một sự kiện trọng đại đã diễn ra, trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong phong trào công nhân toàn cầu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục nghìn công nhân đã đồng loạt bãi công, xuống đường tổ chức mít tinh và biểu tình với khẩu hiệu vang dội: “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là thành quả của một quá trình đấu tranh kiên trì, đầy gian khổ từ nửa cuối thế kỷ 19, khi người lao động ở khắp nơi trên thế giới bị bóc lột sức lao động một cách tàn bạo.

       Mặc dù cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu, nhưng tinh thần bất khuất của công nhân Chicago đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh vì quyền sống, quyền làm việc và quyền được tôn trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” không chỉ là tiếng nói của công nhân Mỹ, mà còn trở thành biểu tượng đoàn kết, là tiếng vang mạnh mẽ được cộng hưởng bởi hàng triệu công nhân trên toàn thế giới.

       Từ những cuộc biểu tình ấy, các chính phủ tại nhiều quốc gia buộc phải công nhận và ban hành đạo luật giới hạn giờ làm việc trong ngày. Và rồi, vào ngày 14/7/1889, tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản 2, các đại biểu công nhân đã long trọng thông qua nghị quyết lấy ngày mùng 1 tháng 5 hằng năm làm Ngày Quốc tế Lao động - ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn cầu, ngày thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.

        Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động mùng 1 tháng 5 không chỉ là dịp để tri ân những người đã đi tiên phong trong phong trào lao động, mà còn là ngày lễ chính thức tại hơn 80 quốc gia. Khắp nơi trên thế giới, cờ hoa rực rỡ, biểu ngữ tràn ngập các quảng trường, đường phố; truyền thông đồng loạt phát sóng những chương trình ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội.

        Ở Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ 20, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam qua những tác phẩm của mình, giúp công nhân lao động  Việt Nam hiểu rõ phong trào cộng sản, công nhân, công đoàn thế giới, biết đến Cách mạng tháng Mười Nga, ngày Quốc tế Lao động ngày mùng 1 tháng 5 và biểu lộ sự đoàn kết với vô sản, cần lao quốc tế.

        Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình bày tỏ ý chí bảo vệ Liên bang Xô Viết. Tháng 8/1925, công nhân nhà máy đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đã bãi công đòi tăng lương và để ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Thượng Hải (Trung Quốc). Những cuộc đấu tranh đầu tiên ấy đánh dấu sự kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản, một mốc son chuyển phong trào công nhân Việt Nam phát triển từng bước từ tự phát đến tự giác.
        Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng đã xác định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam là giai cấp lãnh đạo cách mạng, đóng vai trò nòng cốt trong khối liên minh công-nông. Phong trào đấu tranh được tổ chức vào ngày 1/5/1930 đã mở đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931. Từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc chí Nam, nhiều nơi treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ, công nhân và nông dân mít tinh chào mừng ngày Quốc tế Lao động 1/5. Đây là lần đầu tiên, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên phạm vi toàn quốc đoàn kết đấu tranh tỏ rõ sức mạnh vô địch, sứ mệnh lịch sử, nghị lực phi thường của khối liên minh công-nông.
          Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 56 quyết định để công nhân lao động  cả nước nghỉ hưởng lương ngày Quốc tế Lao động. Ngày 1/5/1946, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn người lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi“Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1 tháng 5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1 tháng 5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết Lao động, mà còn là ngày nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
          Trên đất nước Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động được công nhân lao động  coi như ngày hội của mình. Tinh thần bất diệt của ngày Quốc tế Lao động ngày mùng 1 tháng 5  hàng năm đã trở thành hành động đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống áp bức bóc lột, đòi hòa bình độc lập dân tộc của công nhân lao động  , tạo nên những dấu ấn của lịch sử. Từ sau ngày giải phóng đến nay, ngày 1/5 vừa là điểm hẹn, vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương đất nước của giai cấp công nhân.

          Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về chất lượng và số lượng, đang tiếp tục phát huy vai trò của mình với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
          Đảng ta đã xác định xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách, nhất là hiện nay trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của giai cấp công nhân hết sức quan trọng.
          Để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới. Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa 10), Đảng ta đã ra Nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó xác định “Giai cấp công nhân nước ta có sứ mệnh lịch sử to lớn: Là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
          Trong công cuộc đổi mới của đất nước, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những chuyển biến quan trọng, tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; đang tiếp tục phát huy vai trò của mình và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. 
         
 Ngày Quốc tế Lao động năm nay bắt đầu thời điểm Tháng Công nhân 2019, bước sang năm thứ tám triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chọn tháng năm hằng năm là “Tháng Công nhân”. Người lao động đang đón nhận những niềm vui mà công đoàng, doanh nghiệp, người sử dụng lao động dành cho họ. Tháng Công nhân năm 2019 với chủ đề “Mỗi Công đoàn cơ sở - Một lợi ích đoàn viên”. Theo đó, phấn đấu mỗi công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp đều có hoạt động chăm lo lợi ích đoàn viên, đồng thời phát huy cao nhất vai trò của công nhân đối với sự phát triển chung của doanh nghiệp, của đất nước. Đó là “Ngày hội công nhân lao động” ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc cho công nhân; hoạt động tôn vinh những công nhân giỏi nghề, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động, khi cả nước cùng hân hoan trong niềm tự hào kỷ niệm Ngày Chiến thắng ngày 30 tháng 4, thì ngày mùng 1 tháng 5 càng trở nên thiêng liêng và sâu sắc hơn bao giờ hết. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam cùng nhìn lại những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

          Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp công nhân và người lao động nước ta tiếp tục là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, sẵn sàng sát cánh cùng nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng và nhân văn hơn.

  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ TRẤN THỐNG NHẤT - HUYỆN YÊN ĐỊNH -TỈNH THANH HÓA
  • Địa chỉ: Thị Trấn Thống Nhất - Yên Định - Thanh Hóa - 0982.469.574
  • Email: ngocchinh.ho@gmail.com
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Hồ Ngọc Chinh - Chủ Tịch UBND TT Thống Nhất
  • Bản quyền thuộc về: UBND THỊ TRẤN THỐNG NHẤT - HUYỆN YÊN ĐỊNH -TỈNH THANH HÓA
Chung nhan Tin Nhiem Mang